Quý độc giả có bao giờ tò mò về nguồn gốc của những bộ trang phục mà chúng ta đang mang hàng ngày? Hay chỉ đơn giản là đặt câu hỏi về cái tên “Giày Tây”, “Áo Sơ Mi”, … mà chúng ta vẫn thường quen gọi?
Hãy cùng tôi khám phá câu trả lời thông qua câu chuyện về lược sử thời trang, cũng như một số điều thú vị về văn hóa phương Tây nhé!
A – Thời kỳ Phục Hưng ảnh hưởng sâu sắc thế nào đến văn hóa đại chúng?
Chắc hẳn chúng ta đã từng ít nhất một lần nhìn thấy bức họa Mona Lisa với nụ cười bí ẩn trong các phiên bản sao chép ở các cửa hàng tranh, trên các ấn phẩm truyền thông chính thống, cả những hình ảnh chế vui nhộn trên mạng xã hội, hay thậm chí là hình in trên quần áo và các bộ sưu tập thời trang cao cấp. “Nàng” quen thuộc đến mức chúng ta chấp nhận “nàng” như một phần của cuộc sống thường nhật.
Nàng Mona Lisa của Leonardo Da Vinci chính là một trong những đại diện tiêu biểu cho đỉnh cao của Thời kỳ Phục Hưng (Renaissance) – Một thời đại có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa đại chúng và có lan tỏa đến tận ngày nay.
Thời kỳ Phục Hưng bắt đầu vào thế kỉ thứ 14 tại nước Ý và trở thành phong trào lan rộng khắp châu Âu vào thế kỷ 16. Tuy vẫn còn nhiều giả thuyết xoay quanh sự ra đời của phong trào Phục Hưng, phần đông các học giả cho rằng nguyên nhân là do bối cảnh xã hội thương mại của nước Ý cuối thời Trung Cổ đã thúc đẩy sự sáng tạo và tư tưởng tự do của các nghệ sĩ.
Cái tên “Phục Hưng” thể hiện nền tảng cốt lõi của phong trào – đó là tái sinh những di sản của nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại; trên các khía cạnh triết học, mỹ thuật, kiến trúc, văn học, khoa học tự nhiên. Thông qua đó, các nghệ sĩ thể hiện những tư tưởng mới – đặc biệt tôn vinh bản chất cá nhân, quyền con người, tính nhân văn, chủ nghĩa thế tục, …
Có thể nói, nghệ thuật và văn hóa Tây phương đã đạt đến đỉnh cao, để lại một khối di sản đồ sộ cho thế giới. Đây là thời đại đã sản sinh ra rất nhiều bậc vĩ nhân và các tác phẩm nghệ thuật bất hủ; như Leonardo Da Vinci với Mona Lisa, Michelangelo với tượng chàng David (Florence, Ý), bức tranh “Chúa tạo ra Adam” trên trần nhà nguyện Sistine (Rome, Ý).
Không chỉ hội họa, kiến trúc, triết học, … mà Thời kỳ Phục Hưng còn chứng kiến những thay đổi mang tính nền tảng trong thời trang. Đi cùng tư tưởng đặt con người là “trung tâm”, các thiết kế thời trang đều hướng đến việc “tôn vinh đường nét cơ thể”. Và vì thế, vai trò của các thợ may ngày càng được xem trọng, dẫn đến sự phát triển của những kỹ thuật may đo mới. Bên cạnh đó, chất liệu vải, họa tiết trang trí, phụ kiện vàng/bạc đi kèm cũng đều được chăm chút tỉ mỉ – tạo nên sự tinh tế cho trang phục của giới thượng lưu.
B – Câu chuyện thời trang bắt đầu từ thời kỳ Chủ nghĩa Tân Cổ điển
Sau thời kỳ cực thịnh của phong trào Phục Hưng, thế giới bước sang thế kỷ 18 với những trào lưu gắn liền với triều đại của “Sun King” – Vua Louis XIV của hoàng gia Pháp. Ông chính là người đã mở ra kỷ nguyên của phong cách Baroque – đặc trưng bởi sự xa hoa, lộng lẫy, phô trương, màu sắc rực rỡ, chi tiết chạm trổ cầu kỳ thừa hưởng từ cách trang trí thời Phục Hưng. Baroque trở thành biểu tượng khẳng định sự giàu sang, quyền lực của giới hoàng gia và quý tộc.
Không dừng lại ở đó, sự xa hoa, lộng lẫy tiếp tục phát triển ở phong trào Rococo (thời vua Louis XV). Tuy nhiên đặc trưng bởi những màu sắc mềm mại, trung tính, nhẹ nhàng hơn.
Dù có khá nhiều những đóng góp cho nghệ thuật và cả thời trang, nhưng mỉa mai thay, sự “lộng lẫy, xa hoa, quyền lực” mang tính giai cấp của Baroque và Rococo đã thúc đẩy sự suy tàn của chính nó. Và cổ vũ cho phong trào mới ra đời ở thế kỉ 18 – Chủ nghĩa Tân Cổ điển.
Dựa trên cảm hứng từ văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại, trường phái Tân cổ điển đề cao tính thực tế, sự thuần khiết và đạo đức con người. Đến đây, chúng ta có thể dễ dàng nhầm lẫn với phong trào Phục Hưng. Sự khác biệt rõ nhất giữa 2 phong trào này nằm ở mặt bối cảnh: Tân cổ điển gắn liền với một thời đại mà xã hội có rất nhiều biến chuyển.
Vì thế, các chủ đề được nhấn mạnh nhiều hơn đến lịch sử, chính trị (trong khi Phục Hưng gắn liền với các chủ đề về tôn giáo & thần thoại). Từ đó, Tân cổ điển luôn cố gắng thể hiện một số thông điệp về đạo đức và chính trị, ẩn chứa khát khao thay đổi.
Đi cùng với tư tưởng của giai đoạn này, thời trang cũng có những đổi mới mang tính cách mạng:
- Sự đơn giản hóa trang phục: Không còn những chiếc corset gò bó hay kiểu cách cầu kỳ, trang phục được nới lỏng, có kiểu rũ xuống – nhẹ nhàng, thoải mái hơn cho người mặc;
- Đường chiết eo của trang phục được nâng cao – để tôn lên đường cong nhưng không gây khó chịu;
- Tối giản hóa các chi tiết trang trí.
Nhìn chung, những cách tân thời trang của Tân cổ điển đề cao tính ứng dụng và “đại chúng” hơn, vượt khỏi những quy phạm của thời đại trước. Nhưng đồng thời vẫn kế thừa giá trị nền tảng từ Thời kỳ Phục Hưng, đó là tôn vinh vẻ đẹp của cá nhân.
C – Cách Mạng Công Nghiệp & Sự Biến Chuyển Của Nhu Cầu Ăn Mặc Của Xã Hội Hiện Đại
Nếu ví lịch sử là một cuộc hành trình, thì chuyến tàu chạy bằng động cơ hơi nước (James Watt) đã mở toang cánh cửa đến kỷ nguyên mới của nhân loại – Cách Mạng Công Nghiệp.
Bắt nguồn từ nước Anh vào cuối thế kỉ 18 – đầu thế kỉ 19, các kỹ thuật máy móc dần thay thế cho hoạt động sản xuất thủ công. Thế giới bước vào guồng quay của sản lượng, hiệu suất. Như một lẽ tất yếu, để theo kịp sự thay đổi, chúng ta bắt đầu đề cao tính “nhanh nhạy, linh hoạt và ứng dụng” trong mọi mặt của đời sống.
Thời trang đương nhiên không thể nằm ngoài những biến chuyển của thời đại. Cách Mạng Công Nghiệp đã có ảnh hưởng sâu sắc đến thời trang – cả về mặt thiết kế lẫn vận hành kinh doanh; cụ thể như sau:
- Tăng tốc độ sản xuất: Nhờ vào dây chuyền sản xuất công nghiệp, trang phục đã được sản xuất hàng loạt một cách nhanh chóng hơn may đo thủ công. Quần áo đã có tính đại chúng, dễ tiếp cận vì giá thành giảm và số lượng tăng;
- Đề cao tính ứng dụng: Áo khoác có nhiều túi, quần áo rộng rãi thoải mái hơn,… chủ yếu phục vụ cho người lao động trong các nhà máy;
- Đa dạng và đơn giản hóa thiết kế: Quần áo tiếp tục được tối giản để phục vụ cho nhu cầu thực. Rất nhiều các mẫu thời trang ra đời trong thời kì này như: Áo sơ mi, quần jeans, áo khoác dù, …
Bên cạnh đó, thời trang không còn chỉ bó hẹp trong bộ môn nghệ thuật cao sang, mà đã chính thức được nhìn nhận như một ngành công nghiệp và kinh doanh đại chúng. Từ đây, thời trang đã liên tục phát triển và tạo ra những câu chuyện đầy cảm hứng cho thế giới.
D – Kỷ Nguyên Điện Ảnh Hollywood & Phần Còn Lại Là Lịch Sử
Ngày nay, nhắc đến thời trang, không thể không nhắc tới kinh đô điện ảnh Hollywood. Tiêu biểu như lễ trao giải Oscar 2023 vừa qua, số lượng bài viết trên các tạp chí về trang phục của các ngôi sao gần như ngang bằng, thậm chí vượt trội so với các bài viết về chủ nhân của giải thưởng. Vậy bắt đầu từ lúc nào, thời trang và Hollywood gần như “không thể tách rời”?
Hãy cùng quay lại với châu Âu – nơi diễn ra tất cả những sự kiện quan trọng của thời trang, mà chúng ta đã tìm hiểu ở phần trước. Châu Âu mới chính là quê hương của điện ảnh, nơi các bộ phim câm và rạp chiếu bóng ra đời – đặc biệt tại Pháp, Ý và Đan Mạch. Nhưng sau Chiến tranh Thế Giới Lần thứ nhất (1914 – 1918), châu Âu đã trở thành một bãi chiến trường ngổn ngang. Hàng ngàn dòng người tị nạn di cư đến Mỹ – bao gồm rất nhiều nhà làm phim, nghệ sĩ, nhà thiết kế tài ba. Từ đây, điện ảnh thế giới bắt đầu tại kinh đô mới – Hollywood (Mỹ).
Ngay từ thời đại phim câm, thời trang trong điện ảnh đã bắt đầu có sự ảnh hưởng tới phong cách đại chúng. Tiêu biểu như cách mang giày đồng màu với trang phục của nữ hoàng phim câm Pola Negri, phong cách “IT GIRL” cá tính của của nữ diễn viên Clara Bow – thuật ngữ vẫn được sử dụng đến ngày nay.
Điện ảnh Hollywood đã “chấp nhận” sự phá cách, cũng như khuếch đại tầm ảnh hưởng của thời trang với công chúng. Đến những năm 1930, thời trang trong ngành công nghiệp phim đã đạt đến đỉnh cao. Đi cùng với những bộ phim về con người thời đại mới, là những bộ đầm chít eo, váy ngắn, phong cách menswear, thời trang công sở, …
Những xu hướng này được đón nhận rất nhanh chóng và có sức lan tỏa cực kì lớn – không còn bó hẹp trong một tầng lớp hay mang tính giai cấp. Chiếc đầm trắng tinh nghịch tung bay của Marilyn Monroe, hay “Little Black Dress” của Audrey Hepburn là những biểu tượng bất hủ của thời trang và điện ảnh.
Phần còn lại của câu chuyện chính là những gì chúng ta đang viết tiếp. Hollywood vẫn đang là kinh đô điện ảnh của thế giới. Lễ trao giải Oscar danh giá hàng năm vẫn luôn dành riêng 1 tượng vàng cho “Phục trang xuất sắc nhất”. Các bộ phim và thảm đỏ vẫn là sân chơi thời trang để các nhà thiết kế thỏa sức sáng tạo. Và tất nhiên, công chúng vẫn chưa bao giờ ngừng thích thú với những xu hướng mới.
Với đam mê sâu sắc và kiến thức chuyên sâu về thế giới túi xách, Hồ Kim Ngân đã dành nhiều năm để khám phá và chia sẻ những xu hướng thời trang đang thịnh hành. Tự hào là người sáng lập và làm việc không mệt mỏi cho sự phát triển của Hapack277, cô luôn mong muốn mang đến cho độc giả những trải nghiệm mua sắm thú vị và bổ ích. Xem thêm!